Hệ quả Biểu tình Tây Nguyên 2004

Người Thượng tại Tây Nguyên

Tính đến tháng 1 năm 2005, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thống kê khoảng 770 người Thượng xin tị nạn tại Phnôm Pênh thuộc Campuchia (296 người được công nhận, 126 người bị từ chối, còn lại đang chờ quyết định), nhiều người Thượng được công nhận tị nạn nhưng từ chối tái định cư sang nước thứ ba và muốn ở lại Campuchia.[31] Tính đến năm 2006, 561 người Thượng tái định cư sang nước thứ ba (Hoa Kỳ, Canada), 163 người Thượng bị trục xuất về Việt Nam, 26 người ở lại Campuchia.[116] Theo báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2009 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hơn 100 người Thượng tham gia biểu tình năm 2001 và năm 2004 tại Tây Nguyên được thả tự do trong năm 2009, trong đó có 11 người Thượng được thả vào đợt ân xá nhân dịp Ngày Quốc Khánh.[117] Đài Á Châu Tự Do cho biết khoảng 200 người Thượng tại Tây Nguyên vẫn bị giam giữ đến năm 2018 vì tham gia biểu tình trong thập niên 2000 và đa số đều không có người thăm.[70]

Chính phủ Việt Nam

Tháng 7 năm 2004, Cục An ninh Tây Nguyên (thuộc Tổng cục An ninh II–Bộ Công an) được thành lập, mục tiêu nhằm chống âm mưu diễn biến hoà bình và bạo loạn lật đổ.[118][119] Thủ tướng Phan Văn Khải ban hành Quyết định 134, cam kết cung cấp cho mỗi hộ gia đình dân tộc thiểu số thu nhập thấp ở Tây Nguyên từ 0,15 đến 0,5 ha đất nông nghiệp hoặc ít nhất 200 mét vuông đất ở. Tiếp theo, chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ tạm đình chỉ di cư người dân miền xuôi đến Tây Nguyên và đồng thời làm chậm tốc độ di cư "tự phát" đến khu vực. Đầu năm 2005, 1.200 nhà thờ Tin Lành của người dân tộc thiểu số đã được phê duyệt để đăng ký chính thức và mở lại.[51][111] Tháng 5 năm 2005, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận, nội dung đưa ra một số cam kết phát triển và bảo vệ tự do tôn giáo tại Việt Nam.[109] Tính đến tháng 7 năm 2005 tại Đắk Lắk, vận động được 210 người hoạt động FULRO ra tự thú và vô hiệu hóa 613 người.[1] Lực lượng an ninh phát hiện 824 cơ sở ngầm của FULRO vào năm 2003 (349 cơ sở tại Đắk Lắk, 363 cơ sở tại Gia Lai, 65 cơ sở tại Kon Tum, 47 cơ sở tại Lâm Đồng), bắt giữ 2.800 người từ năm 2001 đến năm 2005, chính quyền địa phương đã đưa 1.000 người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép trở về.[27] Thực hiện Chỉ thị 16/2004/CT-TTg do Thủ tướng Việt Nam ban hành vào ngày 1 tháng 5 năm 2004, hơn 10.700 người được cảm hóa và hơn 20.000 người dân từ bỏ Tin lành Đêga.[120]

Chính phủ Campuchia

Ngày 16 tháng 2 năm 2010, chính phủ Campuchia chính thức đóng cửa trại tị nạn người Thượng tại Phnôm Pênh, chính phủ Việt Nam tiếp nhận 10 người dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo thỏa thuận ba bên Campuchia–Việt Nam–Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ký kết ngày 25 tháng 1 năm 2005 trước đó.[121][122][123] Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga thông cáo chính thức "nhà nước Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế–xã hội ở các vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao chính phủ Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và UNHCR trong thời gian qua để tích cực giải quyết số người trong trại tạm cư trên cơ sở MOU 3 bên ký ngày 25 tháng 1 năm 2005, đóng cửa trại tạm cư đúng thời hạn mà Campuchia đã tuyên bố".[124][123] Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á Phil Robertson nói "điều bắt buộc là chính phủ Campuchia phải tuân thủ các thỏa thuận quốc tế và không đưa những người xin tị nạn đến nơi mà cuộc sống và tự do của họ sẽ gặp nguy hiểm", trong khi hiệp hội Cứu trợ Tị nạn Dòng Tên (Jesuit Refugee Service, JRS) ủng hộ việc đóng cửa trại tị nạn tại Campuchia vì cho rằng nó giống một trung tâm giam giữ–nơi những người tị nạn sống giống như tù nhân.[121] BBC cho biết trại tị nạn hiện còn 20 người Thượng tại Tây Nguyên vượt biên sang Campuchia: 10 người trong số đó được tị nạn sang nước thứ ba (Hoa Kỳ, Canada),[121][125] 10 người còn lại bị trục xuất về Việt Nam do không được chấp nhận quy chế tị nạn.[126][125] BBC dẫn lời nhà báo tự do Lý Định Phát nói "đối với xã hội [Campuchia] thì người ta cũng cảm thấy khó chịu khi mà có một số lượng người Việt, kể cả người Thượng chạy qua bên này xin tị nạn và kiếm sống, như vậy nó cũng gây xáo trộn một phần nào đó trong đời sống bình thường hàng ngày của người dân tại đây. Bây giờ nó kết thúc thì xã hội ở đây họ cũng cảm thấy đã qua một vấn đề".[126]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Biểu tình Tây Nguyên 2004 http://www.nytimes.com/2001/05/05/nyregion/new-pro... http://www.mar.umd.edu/assessment.asp?groupId=8160... http://hrlibrary.umn.edu/research/vietnam/IGO-repo... http://www1.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_318... http://www.asianews.it/news-en/Fleeing-Montagnard-... http://www.asianews.it/news-en/Phnom-Penh-closes-a... http://www.vietnamhumanrights.net/website/bbc_4110... http://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2004/04/c... http://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2004/04/d... http://vietnamembassy-usa.org/vi/tin-tuc/2004/04/h...